TextBody
Huy chương 2

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 85 năm 2024

29/08/2024

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác  bền vững nước Karst phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi khan hiếm nước phía Bắc

Nguyễn Tiếp Tân
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Đỗ Hùng Sơn
Công ty Cổ phần Tư vấn dịch vụ Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu miền Bắc

Vùng núi khan hiếm nước gồm 95 xã thuộc 14 tỉnh miền núi phía Bắc là khu vực phân bố chủ yếu các thành tạo Carbonat dễ tạo thành hệ thống  karst có điều kiện thấm và chứa nước tốt. Tuy nhiên, do có địa hình cao, phân cắt mạnh làm cho khả năng trữ nước kém, nước bị thoát rất nhanh theo hệ thống khe nứt, hang hốc karst ra mạng lưới xâm thực địa phương tạo nên sự khan hiếm nước, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân. Nhiều giải pháp khai thác nước phục vụ sinh hoạt đã được áp dụng và đã mang lại hiệu quả nhất định, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của người dân. Tuy nhiên, do những tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, do công tác vận hành, quản lý chưa phù hợp…nên các giải pháp, mô hình cấp nước hiện nay chưa đảm bảo tính bền vững, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng trên nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng 7 mô hình với 28 giải pháp khai thác nước Karst phục vụ sinh hoạt cho người dân ở các vùng núi khan hiếm nước phía Bắc sẽ có tính bền vững hơn.

Từ khoá: Nước karst, vùng núi khan hiếm nước, mô hình khai thác, giải pháp khai thác

14

Mối quan hệ giữa xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long với dòng chảy thượng lưu Mê Công và triều ven biển

Phạm Văn Giáp, Tăng Đức Thắng, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hoạt, Phạm Ngọc Hải
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Đánh giá quy luật xâm nhập mặn theo các yếu tố tác động của nó, làm cơ sở khoa học cho việc dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc quản lý nguồn nước trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bài báo này giới thiệu một phương pháp nghiên cứu cơ sở khoa học của xâm nhập mặn (XNM) ở ĐBSCL, trong đó đã xây dựng mối quan hệ giữa chiều dài XNM với hai yếu tố chính  tác động đến xâm nhập mặn, bao gồm dòng chảy mùa khô về châu thổ Mê Công (trạm Kratie) và thủy triều ven biển ĐBSCL. Hai loại phương trình xâm nhập mặn ứng với chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất với ngưỡng 4g/l và 1g/l trong mùa khô trên mỗi cửa sông, theo hai yếu tố tác động đã được xây dựng. Với hệ số quan hệ tốt (R2 = 0,81-0,99), cho thấy việc đánh giá chiều dài XNM theo hai loại yếu tố tác động (dòng chảy và thủy triều) là phù hợp.

Phương pháp và kết quả nghiên cứu cùng các phương trình quan hệ chiều dài XNM theo yếu tố tác động góp phần làm rõ thêm đặc điểm và quy luật của hiện tượng XNM trên Đồng bằng, có thể mở ra một số hướng nghiên cứu sau này khi khảo cứu mặn ở các khía cạnh khác nhau.

Từ khóa: Đồng bằng sông Cửu Long, Trạm Kratie; xâm nhập mặn; Dòng chảy mùa khô; thủy triều, phương trình quan hệ

24

Đánh giá diễn biến và dự báo xu thế bồi-xói dải ven biển sau các công trình cọc ly tâm đã xây dựng dọc biển Tây tỉnh Cà Mau bằng ảnh viễn thám

Nguyễn Anh Tiến, Trương Thị Nhàn, Phan Mạnh Hùng, Trần Thị Thúy An, Nguyễn Văn Điển
Viện Kỹ thuật Biển

Đánh giá diễn biến dải ven biển phía sau các công trình kè cọc ly tâm (KCLT) đã xây dựng ở vùng biển phía Tây tỉnh Cà Mau bằng phương pháp viễn thám, GIS, kết hợp phân tích biến đổi đường bờ bằng công cụ DSAS (Digital Shoreline Analysis System), đến năm 2023. Kết quả cho thấy, đường bờ biển, dải ven biển phía sau các công trình (KCLT) bồi tụ chiếm 40%, các khu vực còn lại có xu hướng xói lở tuy nhiên tốc độ xói lở đã giảm hơn nhiều so với giai đoạn chưa xây kè. Kết quả dự báo trong 10 năm tiếp theo, xu hướng bồi tụ sẽ tăng thêm 20%, các khu vực còn lại vẫn bị xói lở, nhưng tốc xói lở giảm hơn 50% so với giai đoạn trước những năm 2023.

Từ khóa: Tốc độ bồi/xói, dải ven biển, biển Tây tỉnh Cà Mau.

36

Phân tích cơ sở thực tiễn và đề xuất mô hình tổ chức khai thác công trình thủy lợi theo vùng

Trần Chí Trung, Nguyễn Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Kiên
Trung tâm PIM

Các tổ chức khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) ở nước ta hiện nay bao gồm các công ty KTCTTL liên tỉnh trực thuộc Bộ Nông nghiệp &PTNT, các công ty KTCTTL cấp tỉnh và một số đơn vị sự nghiệp, chi cục thủy lợi kiêm nhiệm. Để thực hiện được nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi của Luật Thủy lợi cần hình thành các tổ chức KTCTTL trực thuộc Bộ NN&PTNT theo vùng quản lý các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên. Các tổ chức KTCTTL cấp vùng được đề xuất là Công ty khai thác thủy lợi Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam. Hình thành các công ty khai thác thủy lợi theo vùng sẽ giảm đầu mối các công ty trực thuộc Bộ Nông nghiêp và PTNT. Các công ty khai thác thủy lợi theo vùng quản lý thống nhất các hệ thống thủy lợi trong vùng, bảo đảm hài hòa lợi ích, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống thủy lợi theo hướng cung cấp đa dạng dịch vụ, tiến tới tự chủ về tài chính.

Từ khóa: Tổ chức khai thác công trình thủy lợi, mô hình công ty khai thác thủy lợi cấp vùng

49

Nghiên cứu ứng dụng mô hình học máy
vào dự báo mực nước hồ Buôn Tua Sarh

Trần Thị Tuyết, Đỗ Anh Đức, Hoàng Diệu Hằng
Viện Thủy điện và Năng lượng Tái tạo

Đặng Thanh Tuấn
Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi

Nghiên cứu này áp dụng hai mô hình học máy là SVR và LSTM để dự báo mực nước hồ Buôn Tua Srah, lưu vực Srê Pốk, Việt Nam. Các bước dự báo khác nhau (6h, 12h,24h, 48h,72h) được thực hiện với các trường hợp dữ liệu đầu vào khác nhau được thu thập từ 2017-2023 ở thời điểm dự báo, 24h và 72h trước đấy để tìm ra bộ dữ liệu đầu vào phù hợp cho mỗi mô hình học máy. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình SVR và LSTM không có nhiều khác biệt trong dự báo mực nước 6h,12h và 24h tới với sai số MAE thấp nhất tương ứng là 0,03, 0,05 và 0,08m. Đối với dự báo 48h và 72h, mô hình SVR cho kết quả dự báo tốt hơn so với mô hình LSTM. Bộ dữ liệu đầu vào cho mô hình SVR bao gồm mực nước hồ, dòng chảy đến, xả và thể tích hồ tại thời điểm 24h trước cho kết quả dự báo tốt nhất cho các bước 6h, 12h và 24h trong khi mô hình LSTM cho kết quả dự báo tốt hơn chỉ với dữ liệu mực nước hồ 72h trước đấy.

Từ khoá: Dự báo mực nước hồ, mô hình học máy, SVR, LSTM, …

59

Hiệu quả tiêu năng của mũi phun hai tầng

Trần Quốc Thưởng
Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á

Đỗ Ngọc Ánh
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Trần Vũ
Viện Năng lượng

Để tiêu hao năng lượng dòng chảy khi xả lũ qua các công trình tháo nước cần có công trình tiêu năng giảm năng lượng dòng chảy nhằm đảm bảo an toàn cho công trình chính và giảm xói lở hạ lưu công trình. Kết cấu tiêu năng dòng phun là giải pháp tiêu năng đêm lại hiệu quả kinh tế- kỹ thuật. Bài viết nêu kết cấu tiêu năng có mũi phun hai tầng thay cho mũi phun loại truyền thống là mũi phun liên tục.

Từ khóa: Năng lượng dòng chảy, tiêu năng, mũi phun hai tầng.

67

Phân tích bộ chỉ số vận hành bền vững các công trình khai thác nước dưới đất dựa trên cơ sở dữ liệu vận hành

Nguyễn Tiếp Tân, Lê Thị Hồng Nhung
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Lương Tuấn Trung, Vũ Thị Thủy
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu

Dương Thị Thanh Xuyến, Nguyễn Thị Hồng Liễu
Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đặng Thanh Nam
Trường Đại học Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh

Toàn quốc hiện có 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Các đánh giá hiện tại về chỉ số vận hành hiện tại thường tập trung theo hướng đảm bảo hạ tầng và quản lý. Theo phê duyệt chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, quan điểm chủ đạo là bảo vệ môi trường, cấp nước sạch theo hướng sinh thái, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Do đó cần bổ sung đánh giá chỉ số phản ánh tính bền vững của công trình cấp nước sạch nông thôn bao gồm cả yếu tố môi trường, tài nguyên và quản lý công trình.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp PCA (Principal Component Analysis) để phân tích thành phần cơ bản trong các chỉ tiêu vận hành bền vững của công trình cấp nước trên cơ sở dữ liệu thu thập về vận hành của 142 công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn của 67 xã thuộc 10 tỉnh. Đánh giá ban đầu với bộ chỉ số cho thấy các mô hình vận hành cho kết quả bền vững chủ yếu là mô hình Đơn vị sự nghiệp hoặc Doanh nghiệp. Phương pháp phân tích này có thể mở rộng đánh giá theo vùng, hoặc thay đổi mức độ ưu tiên về chính sách của một số trọng số (như yếu tố môi trường, quản lý) để đưa ra được các đánh giá chính sách và khuyến nghị có tính thống kê và dựa trên cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu và phương pháp phân tích này có thể bổ trợ cho các phương pháp phân tích hiện đang được cơ quan nhà nước sử dụng trong đánh giá phân loại các công trình nước sạch nông.

Từ khóa: Chỉ số vận hành, Thành phần chính, Bảo vệ môi trường, Mô hình vận hành, Công trình cấp nước

78

Tác động của hồ chứa phía thượng lưu đến dòng chảy mùa khô về châu thổ sông Mê Công

Tăng Đức Thắng, Phạm Văn Giáp, Tô Quang Toản,  Phạm Ngọc Hải, Nguyễn Văn Hoạt
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Trong hơn vài chục năm qua, hồ chứa đã và đang được phát triển mạnh mẽ trên lưu vực Mê Công và dòng chảy mùa khô về châu thổ của nó có nhiều biến động, lượng dòng chảy được cải thiện rất lớn và tính biến động theo thời gian cũng mạnh hơn. Theo đó, việc xuất hiện các hồ chứa đã làm cho việc đánh giá, dự báo dòng chảy mùa khô hàng năm trở nên phức tạp hơn, nhất là dự báo hạn dài từ vài tháng đến cả mùa khô.

Nhằm cung cấp thêm cơ sở khoa học và phương pháp tính phục vụ cho tính toán dự báo dòng chảy mùa khô về châu thổ Mê Công, bài báo này giới thiệu một số kết quả nghiên cứu, đánh giá dòng chảy mùa khô theo các thông số ảnh hưởng chính của nó, bao gồm dung tích hữu ích hồ chứa và dòng chảy năm. Theo đó, dòng chảy mùa khô được tính theo phương trình tương quan với tổng dung tích hữu ích hồ và dòng chảy năm, sử dụng liệt số liệu tại trạm Kratie (đầu châu thổ Mê Công). Từ phương trình quan hệ này, có thể đánh giá vai trò các hồ chứa trong việc làm thay đổi dòng chảy mùa khô theo tiến trình xây dựng hồ từ quá khứ đến tương lai.

Từ khóa: Trạm Kratie; Thay đổi dòng chảy mùa khô; Dòng chảy năm; Hồ chứa thượng lưu; Dung tích hữu ích hồ chứa

85

Đánh giá hiệu quả gây bồi tạo bãi của các công trình kè cọc ly tâm phía biển Tây, tỉnh Cà Mau bằng số liệu thực đo và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả

Nguyễn Anh Tiến, Trương Thị Nhàn, Đỗ Hoài Nam, Cao Văn Đệ, Đinh Văn Thắng
Viện Kỹ thuật Biển

Hiện nay, giải pháp kè cọc ly tâm (KCLT) đã được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt ở phía biển Tây. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá cao về khả năng giảm sóng, gây bồi tạo bãi, tạo điều kiện khôi phục rừng ngập mặn (RNM). Tuy nhiên, từ khi xây dựng cho đến hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể đối với khả năng gây bồi tạo bãi cho toàn tuyến công trình. Bài báo này trình bày kết quả phân tích, đánh giá diễn biến xói bồi (X/B) bãi biển sau công trình bằng bộ số liệu thực đo kết hợp nguồn số liệu thu thập giai đoạn xây dựng công trình nhằm vẽ lên một bức tranh tổng thể về X/B phía biển Tây và tạo ra nguồn dữ liệu tin cậy để khẳng định về hiệu quả gây bồi tạo bãi của công trình, đồng thời rút ra được một số nguyên nhân đang ảnh hưởng và định hướng cách khắc phục nâng cao hiệu kỹ thuật cho giải pháp KCLT.

Từ khóa: Diễn biến xói bồi, số liệu thực đo, kè ly tâm, biển Tây tỉnh Cà Mau

96

Nghiên cứu xây dựng dự báo tổ hợp dòng chảy hạn dài dựa trên sản phẩm dự báo của hệ thống dự báo động lực mùa - ứng dụng cho lưu vực Srepok (Việt Nam)

 

Hoàng Diệu Hằng, Trần Thị Tuyết, Đỗ Anh Đức
Viện Thủy điện và Năng lượng Tái tạo

Ngô Lê An
Trường Đại học Thủy lợi

Nghiên cứu sử dụng sản phẩm tổ hợp mưa dự báo của mô hình dự báo số trị ECMWF với 51 thành viên và hiệu chỉnh mưa dự báo với thời gian dự báo từ 1-6 tháng có cập nhật số liệu thực đo và dự báo mới nhất cũng như loại bỏ những số liệu cũ sau khi cập nhật. Mô hình thủy văn mưa -dòng chảy được xây dựng cho lưu vực Srepok dựa trên mô hình Tank, kết nối trực tiếp với các sản phẩm tổ hợp mưa dự báo. Tiến hành dự báo dòng chảy dài hạn 6 tháng thử nghiệm. Chùm kết quả dự báo (tổ hợp) khá phù hợp với kết quả thực đo, đường quá trình thực đo đa số các trường hợp nằm trong đường bao trị số dự báo 10% và 90%. Với kết quả dự báo tổ hợp như trên, các nhà quản lí có thể hình dung được mức độ không chắc chắn của kết quả dự báo trong tương lai từ đó đưa ra các kịch bản vận hành, khai thác sử dụng nước một cách hợp lý.

Từ khóa: Dự báo tổ hợp, dòng chảy hạn dài, Srepok.

106

Nghiên cứu quy trình tưới kết hợp bón phân
cho cây thanh long vùng Nam Trung Bộ

Nguyễn Xuân Kiều, Lê Thị Thanh Vân, Trần Hùng, Nguyễn Thị Lan Anh, Hoàng Đức Hiếu
Viện Nước Tưới tiêu và Môi trường

Nguyễn Đình Vượng
Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam

 

Thanh long là cây trồng khá phổ biến tại Việt Nam, trong đó Nam Trung Bộ là khu vực có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước. Với điều kiện khí hậu vùng Nam Trung Bộ là nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn nhất cả nước thì tưới hợp lý kết hợp với bón phân là một giải pháp không chỉ giúp tiết kiệm nước, phân bón mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro, sâu bệnh và hạn hán, nâng cao năng suất và chất lượng từ đó giúp nâng cao giá trị thanh long một cách bền vững. Trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, dự báo, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới, phân bón, quản lý sâu bệnh và chiếu sáng. Áp dụng thử nghiệm cho sản xuất cây Thanh long”, nhóm thực hiện đã xây dựng mô hình thử nghiệm 1ha tại trang trại sản xuất thanh long  lớn nhất tỉnh Bình Thuận (tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước) là trang trại thanh long Hoàng Hậu để nghiên cứu đồng bộ các giải pháp nông nghiệp trong đó có nghiên cứu quy trình tưới nước kết hợp bón phân cho cây thanh long. Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình tưới kết hợp với bón phân cho cây thanh long tại khu vực Nam Trung Bộ.

Từ khóa: Tưới nhỏ giọt, bón phân, cây thanh long, Nam Trung Bộ, quy trình.

114

Xây dựng chương trình chuyển đổi tín hiệu đo dao động nhằm xác định “thoát không” của tấm bê tông trên nền đàn hồi

Lê Thu Mai, Hồng Tiến Thắng
Trường Đại học Thủy lợi

Nghiên cứu này tiến hành xây dựng chương trình chuyển đổi tín hiệu đo gia tốc theo thời gian sang miền tần số. Qua phân tích tần số dao động của tấm bê tông trên nền đàn hồi có thể xác định hiện tượng “thoát không” của tấm bê tông (khoảng trống xuất hiện dưới tấm bê tông khi tấm bê tông được đặt trên nền đất). Chương trình được xây dựng với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, đạt độ chính xác cao. Các hàm số chuyển đổi được xây dựng dựa trên ngôn ngữ lập trình MATLAB. Dữ liệu đầu vào chương trình là số liệu gia tốc theo thời gian từ thí nghiệm thực tế hay lấy từ kết quả phân tích dao động trên mô hình số. Dữ liệu đầu ra của chương trình là biên độ gia tốc theo tần số dao động. Các nghiên cứu đã được tiến hành trước đó bởi các nhà khoa học chỉ ra rằng tại các tấm có “thoát thông”, tần số dao động riêng thường nhỏ hơn các tấm không có “thoát thông”. Tại vị trí có “thoát không”, tần số dao động riêng cũng nhỏ hơn giá trị tần số tại các vị trí không có “thoát không”. Từ kết quả chuyển đổi dao động sang dạng tần số của chương trình, các tấm có “thoát không” và vị trí có “thoát không” dễ dàng được xác định. Chương trình được xây dựng tạo điều kiện thuân lợi giúp việc chuyển đổi tín hiệu dao động sang miền tần số được thực hiện nhanh chóng từ đó giúp ích cho việc xác định vị trí “thoát không” của tấm bê tông trên nền đàn hồi nhanh hơn và chính xác hơn.

Từ khóa: Tần số dao động riêng, biến đổi Fourier, hiện tượng “thoát không”.

 

Ý kiến góp ý: